Đánh giá Loạn_An_Sử

Tính chất của chính quyền Đại Yên

Các sử gia Trung Quốc nhìn nhận loạn An Sử là một cuộc phản loạn điển hình, không hề có chút chính nghĩa; kèm theo đó là sự phá hoại ghê gớm[71].

Loạn An Sử được đánh giá là có độ dã man bậc nhất, riêng việc thay đổi ngôi của 4 ông vua Đại Yên đều lần lượt diễn ra bằng những vụ tàn sát: hai lần con giết cha, một lần bầy tôi giết vua. Điều đó khiến Đại Yên bị đánh giá là tập đoàn mất hết tính người; ngay cả tính người về tối thiểu cũng không có thì không thể lấy được lòng nhân dân để giữ thiên hạ[71].

Chiến lược và chiến thuật hai bên

Quân Yên nhanh chóng xác lập ưu thế trong thời kỳ đầu, do quân sĩ trong nội địa nhà Đường nhiều năm sống trong thời bình không được củng cố nên sức chiến đấu thấp. Thêm vào đó, nội bộ chính quyền nhà Đường ngay cả khi phải chống phản quân vẫn tiếp tục chia rẽ và mâu thuẫn, nên đã nhiều lần có quyết sách sai lầm, vài lần để lỡ cơ hội sớm chấm dứt loạn lạc.

Lần thứ nhất là trước trận Đồng Quan năm 756. Trong lúc Sử Tư Minh thất thế ở Hà Bắc, An Lộc Sơn bị kẹt ở phía tây, các lộ quân Đường có thể thừa thắng tiến vào căn cứ Phạm Dương của chính quyền Đại Yên theo kế sách mà Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật dự định. Nhưng Kha Thư Hàn ngoài mặt trận vẫn tiếp tục tranh chấp với Dương Quốc Trung trong triều, còn Đường Huyền Tông nóng lòng thắng trận đã quyết sách sai lầm. Điều đó tạo điều kiện cho Đại Yên phát triển tới cực thịnh: bao gồm cả Hà Bắc, một phần Hà Nam và vùng Quan Trung[31].

Điều đó dẫn đến sự chuyển giao quyền lực từ Huyền Tông sang Túc Tông để tổ chức lại lực lượng quân Đường. Khi quân chủ lực chưa kịp tổ chức lại thì đó là thời điểm khó khăn nhất đối với nhà Đường trong cuộc chiến; và vai trò hy sinh của các viên tướng trung thành chiến đấu trong vùng quân Yên chiếm đóng như Nhan Chân Khanh, Trương Tuần, Hứa Viễn có tác động không nhỏ, giúp cầm chân một bộ phận khá lớn quân Yên vào chiến trường phía đông, khiến quân Yên không thể dốc toàn lực vào cuộc chiến tận diệt nhà Đường[76].

Nhưng khi Đường Huyền Tông tự tìm thất bại thì Đại Yên cũng tự suy yếu bằng việc soán đoạt nội bộ của An Khánh Tự. Đó chính là thời điểm thích hợp cho quân Đường phản công. Khi An Khánh Tự gặp phải sự hồi sinh của nhà Đường và bại trận dưới tay quân chủ lực của Quách Tử Nghi, thì Sử Tư Minh lại dần dần xác lập chỗ đứng vững ở Hà Bắc và Hà Nam qua việc nhổ hết được những chướng ngại do các trung thần nhà Đường cố duy trì tại đây.

Sử Tử Minh tỏ ra là nhà lãnh đạo có năng lực nhất trong 4 người cầm đầu chính quyền Đại Yên. Khi thấy An Khánh Tự sắp tận diệt, ông hàng luôn nhà Đường, giữ một góc đông bắc tự trị như An Lộc Sơn khi còn phục vụ nhà Đường. Nhưng mưu đồ trừ khử Tư Minh bị lộ khiến nhà Đường phải đối mặt với một đối thủ có binh hùng tướng mạnh, thực lực đáng sợ hơn An Lộc Sơn[55]. Bên cạnh đó, chính Đường Túc Tông sau những chiến thắng ban đầu, thu hồi được hai kinh cũng tự tìm đến khó khăn với quyết sách nhân sự trong trận Nghiệp Thành, và điều đó tạo ra cơ hội lớn cho Sử Tư Minh.

Trận Nghiệp Thành là bước ngoặt không chỉ giúp Đại Yên duy trì sự tồn tại trở lại, tiếp tục chỗ đứng ở Hà Bắc, mà thừa thắng xuống Hà Nam lấy được đông kinh Lạc Dương lần thứ hai. Đường Túc Tông vẫn sai lầm trong việc sử dụng hoạn quan Ngư Triều Ân và phải trả giá tới lần thứ hai cho thất bại ở Mang Sơn mà Lý Quang Bật bị quy trách nhiệm. Lúc đó tình cảnh nhà Đường cũng giống như lúc An Lộc Sơn áp sát trước Đồng Quan.

Nhưng lần này Túc Tông không phạm thêm sai lầm, duy trì thế phòng thủ, còn chính quyền Đại Yên tiếp tục tự tàn hại nhau vì định bỏ con lớn lập con nhỏ. Cả An Lộc SơnSử Tư Minh đều vì yêu con nhỏ nên kích động con lớn vùng vẫy mà bị giết. Còn cả An Khánh TựSử Triều Nghĩa tuy "lấy lại được ngôi con trưởng" song đều không đủ tài năng duy trì cục diện mà hai người cha đã gây dựng được[55].

Chiến sự liên tục xoay chiều, vì những biến cố tự yếu đi của cả hai phía – khi giành được một số ưu thế trên mặt trận lại có sai lầm. Cái chết của Sử Tư Minh là cơ hội thứ ba cho nhà Đường giải quyết loạn An Sử. Tình cảnh của Sử Triều Nghĩa giống như An Khánh Tự, dù lực lượng nhà Đường truy kích Triều Nghĩa không hùng hậu như khi đánh Khánh Tự nhưng đủ kết liễu Đại Yên. Trong các Tiết độ sứ bỏ Đại Yên hàng nhà Đường năm 763 không có ai bị sách động làm theo việc như Sử Tư Minh đã làm (đã hàng Đường lại về theo Yên), và Đại Yên chấm dứt sự tồn tại khi không còn xuất hiện một thủ lĩnh nào khác như An Lộc Sơn và Sử Tư Minh trước đây.